Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, quan điểm của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và đích đến của chuyển đổi số. Chuyển đổi số làm sao để người dân, doanh nghiệp hưởng được nhiều lợi ích nhất từ dịch vụ công, tiện ích xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Trong khuôn khổ Chương trình Chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với rất nhiều lãnh đạo của các cơ quan trực thuộc Chính phủ đã có những chia sẻ về định hướng chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã có quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia.
Định hướng chuyển đổi số quốc gia trong suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số của Việt Nam. Qua đó, hướng tới cụ thể hoá mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, phát triển các nền tảng số; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết “…Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành…”
Từ những chia sẻ của Thủ tướng, vai trò quan trọng của việc chuyển đổi số trong sự phát triển toàn diện quốc gia trong thời gian tới. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều đề án và các chương trình hỗ trợ song đa số các kế hoạch chuyển đổi số của địa phương hay các doanh nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ và không tập trung, chưa tìm ra được đặc điểm nội tại để tìm hướng đi phù hợp. Bên cạnh đó, mấu chốt của sự thành công là chúng ta phải tiến hành một cách có hệ thống, trên toàn bộ các lĩnh vực, có thể đi chậm nhưng không nên đi sai hướng để tránh lãng phí nguồn lực.
Để công cuộc chuyển đổi số diễn ra một cách toàn diện, phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cá nhân, doanh nghiệp từ đó xác định được mỗi bên cần phải làm gì để chung tay tạo nên một cuộc cách mạng số thành công. Việc chuyển đổi số không cần phải làm lớn, rầm rộ mà chủ yếu phải diễn ra và thay đổi từ trong gốc rễ chứ không phải bề mặt.
Điểm quan trọng của quá trình chuyển đổi số là chúng ta cần một đội ngũ những chuyên gia, những nhà phân tích chiến lược với bề dày kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra những hướng đi phù hợp với điều kiện nội tại. Hiện tại, công cụ giúp đỡ cho việc chuyển đổi số đã không còn khan hiếm như trước, với sự phát triển của công nghệ, các phần mềm hỗ trợ toàn diện đang ngày càng được hoàn thiện và tối ưu để thích hợp với điều kiện căn bản của Việt Nam trong lúc chi phí đầu tư và duy trì thì ngày càng được giảm bớt.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền về lợi ích cũng như hiểu quả của việc áp dụng chuyển đổi số đến những đối tượng liên quan để mọi người đều thấy và trải nghiệm được sự thay đổi trong cách làm việc khi chúng ta sử dụng chuyển đổi số.
Cuối cùng, với những nỗ lực đến từ Chính phủ và phía cá nhân, doanh nghiệp để hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, hy vọng chúng ta sẽ thấy được một sự thay đổi và tác động mang tính tích cực rõ rệt cho sự phát triển của đất nước.